NHÂN NGÀY 30 THÁNG 4: NÓI VỚI CÁC EM VÀ CÁC CHÁU
Ông bà nội mình chết sớm, bố và các cô chú ở với nhau và lặn lội nuôi nhau từ lúc bố chưa lấy mẹ.
Đầu năm 1975 chú Điệp thi vào Chủng viện Phát Diệm. Đậu! Chưa kịp làm thủ tục để về Tòa Giám Mục học thì nhà nước gọi đi bộ đội. Thế là hết tu!
Bấy giờ ai cũng biết đi thì có về thì chưa biết có hay không, nên mỗi lần tiễn ai đi lính thì mọi người thân quen đều khóc như mưa!
Bấy giờ cả thôn mình làm thành Hợp tác xã Đông Châu. Ruộng đất và trâu bò đều thuộc HTX cả. Sản phẩm làm ra đều tập trung về sân kho HTX ở cuối thôn cả. Đói rét không thể tả được.
Trước ngày chú lên đường, bố mẹ cho làm thịt con chó hãy còn xoai xoai để làm bữa cơm tiễn chú. Cô Mười và anh đi rứt lá mơ lông trên bờ giậu quanh nhà.
Hôm chú lên đường, bố và cô Mười đi tiễn. Cả nhà khóc. Anh cũng khóc. Nhà buồn như có tang.
Chú được huấn luyện vội vàng ở Rịa khoảng 2 tuần thì người ta đưa chú vào Nam đánh nhau. Trên đường đi còn thấy xác người nằm hai bên đường. Về sau chú viết thư về kể vậy.
Khoảng gần trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975 năm anh thấy mẹ khóc lúc đi làm đồng về. Mọi người trong xóm đi làm về ghé qua nhà ta cũng khóc. Anh hỏi sao lại khóc. Mẹ bảo đài nói “giải phóng Miền Nam” rồi, “thống nhất đất nước” rồi.
Anh hỏi thế thì có việc gì mà mẹ phải khóc. Mẹ nói từ nay hết chiến tranh rồi; từ nay không còn người phải đi bộ đội nữa, không còn người chết nữa và trong xóm không còn phải nhận giấy báo tử nữa!
Vậy mà mấy hôm sau nhà ông bà Lương nhận được giấy báo tử con. Bà khóc vật vã. Ngất đi nhiều lần. Cả xóm chạy đến nhà bà. Anh cũng đến xem.
Mấy hôm sau anh thấy ông ngoại ngồi ở chõng tre, người thờ thẫn và nước mắt chảy dài. Ông xưa nay không bao giờ khóc thành tiếng.
Anh hỏi làm sao ông lại khóc. Ông bảo hồi “mấy ông này” lên nắm quyền năm 1954, làng mình bị đấu tố nhiều, cả Đức Cha cũng bị đấu tố. Một số người bị xử bắn. Bây giờ "mấy ông này" chiếm được Miền Nam, thì không biết các cô dì chú bác anh em nhà mày di cư vào trong đó “mấy ông này” có để yên cho mà sống không?
Ông lo buồn vì họ hàng nhà mình có nhiều người đi lính quốc gia và di cư vào Nam năm 1954, trong đó có ông Long và ông Thời mà các em biết.
Ông lo buồn vì những người trong làng di cư vào Nam mà ông biết phần lớn đều là những người chống cộng quyết liệt khi còn ở làng quê Phúc Nhạc thời 1945-1954. Ông kể ra nhiều cái tên và nhiều chiến tích mà giờ lâu ngày anh quên.
Ông lo buồn vì ông đã biết hơn 21 năm sống với chế độ cộng sản người dân như ông bị đọa đầy vất vả đói khổ và nhục nhã thế nào.
Các em cũng nên biết trước 1954 làng Phúc Nhạc mình là nơi chống cộng nổi tiếng Miền Bắc. Cũng vị vậy thời anh còn đi học, nhục không thể tả vì thường xuyên bị thầy cô giáo và các bạn xỉ nhục Công giáo và người Công giáo. Cũng vì điều này mà nhiều người Công giáo không muốn đi học.
Vì cái thành tích chống cộng kia của cả làng mà về sau anh Khanh mấy lần đâu đại học cộng sản không để cho đi, còn anh thì cộng sản không cho giấy tờ vì lý do: Sinh ra ở làng Phúc Nhạc phản động, con một ông cha phản động đã phải đi tù nhiều năm là cha Vũ Quang Điện. Đấy là lời cán bộ nhà nước thông báo cho anh đấy.
Họ còn viết cuốn truyện "Vùng biển sóng gió" để vu oan giá họa, xuyên tạc chụp mũ không biết bao nhiêu thứ vô lý không thể tưởng tượng cho Công giáo, đặc biệt cho các cha và cho các ông bà cô dì chú bác mình ở trong làng Phúc Nhạc. Các em nên tìm đọc cuốn này.
Sau 30 tháng 4 mấy ngày, anh thấy ông Luật đội trưởng đội sản xuất đi báo hôm sau mọi người được nghỉ làm việc ở HTX để “ăn mừng chiến thắng”.
Hồi đấy làm ăn tập thể, hàng ngày đội trưởng hay đội phó đi từ đầu thôn đến cuối thôn để thông báo các việc. Vừa đi vừa hò lớn tiếng bằng miệng.
Ông Nhàn và các ông trong tổ nuôi cá xuống ao nhà thờ đánh cá rồi mang về sân nhà ông Luật đội trưởng cắt cân chia cho mỗi nhân khẩu mấy lạng cá. Anh cõng Nhung đến xem.
"Ăn mừng" “chiến thắng” có vậy!
Hồi đấy ao nhà thờ bị nhà nước chiếm và biến thành ao cá của HTX. Cái ao to nhất thôn chạy dài từ giữa thôn xuống cuối thôn ở phía Tây nhà thờ.
Tổng kết chiến tranh: những người đi B trong cái xóm đạo nhỏ bé chưa đầy 30 gia đình công giáo nhà mình hầu hết đều chết hoặc bị thương .
Trong số những người thân các em biết bị thương có bác Nguyện, bác Chuông, bác Tứ, bác Thế; bị chết có chú San nhà bà Phúc. Anh kể thêm bác Tam, vì bác là người yêu của mẹ. Bác chết đầu năm 1968. Nghe tin bác chết thì cuối năm 1968 mẹ mới đồng ý lấy bố.
Bố là người hiếm hoi trong giáo xứ đi bộ đội về mà không bị thương hay bị chết. Anh hỏi bố tại sao. Bố bảo bố đi lính đầu tiên trong thôn và lúc ấy nhà nước không cho người công giáo đi B đánh nhau, vì sợ người công giáo như bố theo anh em bên Miền Nam. Bố chỉ phải ở Miền Bắc làm lính pháo binh và nhờ vậy không bị thương và bị chết.
Anh hỏi sao các bác các chú kia cũng công giáo lại cũng đi B và cũng bị thương bị chết. Bố bảo sau năm 1968, chiến tranh dâng cao, chết hết người rồi nên lính công giáo đi sau bố như các bác các chú kia thì họ cũng đẩy vào Miền Nam luôn.
Mấy tháng sau 30 tháng 4, có chú Chiến và chú Đóa đi B về.
Hồi đó Miền Bắc mình gọi những người vào Nam đánh nhau là “đi B”.
Anh thấy chú Chiến khoác một ba lô lớn và một cái hòm gỗ đi qua trước nhà ta. Chú cũng bị thương. Mấy hôm sau chú bán cái đài Sony. Ông bà ngoại mua. Từ đó cả xóm được nghe đài Hoa Kỳ, Đài BBC.
Đấy là cái Radio đầu tiên trong xứ mình. Những năm sau anh em họ hàng hay tụ họp ở nhà ông bà ngoại và bố mở đài Vatican, Chân Lý Á Châu và Nguồn Sống cho nghe. Nhờ vậy mới biết thêm về đạo nghĩa mà sống. Các em xem giờ cái radio đấy còn ở nhà ông hay nhà cậu Ất thì giữ cho anh.
Chú Đóa mang về nhiều vải dù của Việt Nam Cộng Hòa, mẹ có mua lại và may quần cho bố và anh. Thứ quần mặc rất bền. Trước đó ở Miền Bắc quê mình chỉ có vài bông, mà thường là vải “xanh chéo” và thứ vải trắng hay gọi là “vải phin” được bán theo tem phiếu.
Sau 30 tháng 4 nhà ta lấp cái hầm bằng đất sét ở gian phía Tây trong nhà. Nhớ trước đó, bố mẹ đi làm HTX, ở nhà chỉ có anh và Nhung. Bố mẹ nói cấm ra ao nghịch và hễ nghe thấy tiếng máy bay thì dẫn em nhảy xuống hầm. Hồi đó quê mình chưa có nhà trẻ hay trường mẫu giáo.
Năm sau 1976 bố vào Nam thăm các bác các cậu các dì của bố mẹ. Bố về cho biết: ông Long bác của bố chết trận. Ông Thiều cậu của bố cũng chết. Ông bà Thời từ khu gia binh phải đi kinh tế mới ở vùng Xuyên Mộc, Bà Rịa. Các anh em con chú bác dì cậu của bố đi lính cộng hòa chỉ có một người chết. Còn lại sống cả và là những ai thì các em đã biết.
Thế hệ của bố ở Miền Bắc nếu không chết trận thì cũng chết sớm vì bị thương và vì đói khổ và bệnh tật chốn rừng sâu và trên các công trường thủy lợi. (Bố hết đi lính lại phải vào đội thủy lợi 202. Anh sẽ nói khi có dịp). Trong giáo xứ mình những người thế hệ bố giờ chỉ còn chưa đầy 10 người như các em thấy.
Thật là đáng thương!
TẤT CẢ CHỈ VÌ CHẾ ĐỘ CỘNG SẢN VIỆT NAM HIẾU CHIẾN, ĐÃ VI PHẠM HIỆP ĐỊNH GENEVE, ĐÃ GÂY NÊN CUỘC CHIẾN TRANH XÂM LƯỢC MIỀN NAM, ĐÃ GIẾT HẠI ĐỒNG BÀO MIỀN NAM VÀ ĐẨY ĐỒNG BÀO MIỀN BẮC TRONG ĐÓ CÓ BỐ MẸ MÌNH VÀ ANH EM MÌNH VÀO CHỖ CHẾT CHÓC VÀ ĐÓI NGHÈO.
Nói thêm:
Đức cha mà ông ngoại nói đấy là Đức Cha Bùi Chu Tạo. Thời điểm năm 1954 ngài làm chính xứ Tam Châu cũng là nơi ngài sinh ra và lớn lên. Năm 1957 ngài về Phát Diệm làm giám quản rồi sau đó năm 1959 làm giám mục.
Khi ngài đi thì ngài bổ nhiệm cha Hậu về làm Chính xứ Tam Châu. Cha Hậu bị công an cộng sản bắt và đấu tố và giết chết trong tù ở Khánh Cư cách làng mình khoảng 7 km. Mộ ngài về sau được đưa vào đất thánh xứ Yên Vân. Các em dịp này về quê đến chụp hình mộ ngài giúp anh.
Xóm mình như các em thấy anh em họ hàng Nam-Bắc, trong nước ngoài nước, khá gắn bó với nhau, vì người xóm mình như thế hệ của bố mẹ, không ai bị mắc lừa nhà nước cộng sản rằng đồng bào ở trong Nam “đói khổ và bị đế quốc thống trị”.
Được vậy là nhờ Đức Cha Tạo và cha Hậu. Hai vị đã nói sự thật cho mọi người trong xứ thời bấy giờ biết Miền Nam tự do và hạnh phúc thế nào và chính quyền Miền Nam tốt ra sao. Cả hai đã phải trả giá vì sự thật các ngài nói.
Khi anh còn học Trung học, thỉnh thoảng chiều thứ bầy đạp xe xuống Tòa Giám Mục Phát Diệm thăm Đức Cha và ở lại đến sáng chủ nhật. Anh còn bé nhưng kế tiếp bố làm liên lạc cho Đức Cha. Đức cha hay hỏi chuyện giáo xứ và giáo dân. Vì ngài không được về quê Tam Châu từ khi đi khỏi đó năm 1957, dù nhà quê chỉ cách có 13 km. Ngài gần như bị giam lỏng ở Tòa Giám Mục Phát Diệm. Ngài nói với anh vậy.
Có lần anh hỏi ngài: Tại sao Đức Cha sao anh chị em cháu chắt họ hàng của Đức Cha đi Nam hết mà Đức Cha lại ở lại Miền Bắc? Ngài nói năm 1954 trước khi di cư ngài có vào Miền Nam. Ngài thấy trong ấy chính quyền tốt và đất đai trù phú nên ngài khuyên bảo mọi người nên di cư vào trong ấy mà sống. Ở Miền Bắc trong chế độ cộng sản không chắc họ để cho sống mà làm ăn. Vì thế ông bà cố Đức Cha và các anh chị em đi hết. Ảnh tượng thánh mang sang tặng nhà ông bà nội mình. Đấy là các ảnh thánh mà có lẽ các em cũng biết. Lần cuối anh thấy một số ở nhà chú Điệp.
Anh hỏi tại sao ngài ở lại. Ngài nói: “Cha biết ở lại là khó khăn nhưng cha thấy thương người ta quá nên cha ở lại”.
Thôn Tam Châu mình năm 1954 di cư vào Nam gần hết, ở lại chỉ còn khoảng 20 chục gia đình. Lúc anh còn bé nhiều nhà còn bỏ trống và dân ngoại đạo từ các tỉnh khác và làng được nhà nước “bố trí” đưa đến ở để kiểm soát người Công giáo mình.
Tam Châu còn gọi là Tam Chu, để chỉ gốc của mình là người ba họ từ bên Bùi Chu sang lập nhiệp ở phần đất cuối làng Phúc Nhạc từ cuối thế kỷ XIX. Từ đó xứ mình có ba họ là Phúc Châu, Phúc Nguyên và Trị Sở.
Ông bà nội của Đức Cha Tạo cùng với ông Lăng Chính nhà mình thuộc thế hệ đầu tiên. Ông cụ mình làm nghề nhuộm vải, đến từ làng Báo Đáp. Hồi anh còn bé mấy ông bà cụ lớn tuổi kể phần đất phía đông nhà mình, chỗ anh Học làm nhà giờ là nơi ông phơi vải nhuộm.
Đức Cha Tạo kể với anh rằng khi bố mẹ Đức Cha kết hôn và đẻ được Đức Cha đầu tiên thì ông bà nội bảo với bố mẹ ngài rằng: Mình họ Bùi, gốc bên Bùi Chu sang đây lập nghiệp, giờ đẻ được thằng này đầu tiên ở đất này thì mình đặt tên nó là Bùi Chu Tạo. Đức Cha kể với anh mấy lần như vậy.
Đường liên xã chạy ngang qua thôn mình ngày xưa gọi là Đê hay Đường Hồng Đức, vì làm thời Vua Hồng Đức. Thôn mình là Tam Châu. Nhà cầm quyền cộng sản cố xóa ký ức của thôn mình nên ban đầu họ gọi là thôn Đông Châu. Bây giờ thêm bước nước họ chia theo trục Bắc Nam và gọi là xóm 10 ABC phá vỡ kết cấu tôn giáo-xã hội của xứ mình vốn lấy nhà thờ làm trung tâm và gắn bó quây quần với nhau theo 3 họ giáo là Phúc Châu (xóm trên), Trị Sở (xóm dưới) và Phúc Nguyên (xóm ngoài).
Nhà cầm quyền cộng sản tìm cách xuyên tạc lịch sử, xóa bỏ ký ức, các em hãy cố gắng tìm hiểu sự thật và giữ lấy cái gốc của mình.
Lm Phêrô Nguyễn Văn Khải CSsR
Bình luận
Mạnh Thường Hồi bé con cũng chẳng biết cái gì! Lớn lên 1 chút vì tò mò những gì liên quan đến quá khứ nên con hay tìm hiểu, gặp ai lớn tuổi cũng hỏi cho ra nhẽ. Nhờ vậy con mới biết được sự thật-lịch sử đau thương của quê hương. Nhất là quê hương Phát Diệm Ninh Bình.
Maria Uyên Sáng đến giờ con chờ Cha post bài về ngày này.
Cha hiểu ngày này hơn con, thế hệ sinh sau 1975.
Phạm Điệp Cha đi tu cha nhớ quê nhà thế cha
Rose Snow Cám ơn cha bài chia sẻ .
Phu-Thien Tran Cha kể chuyện 40-50 năm trước rành rọt như mới hôm qua.
Nguyễn Mạnh Phong Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn chau mặt với tang thương.
Nghìn năm gương cũ soi kim cổ,
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường
Phêrô Hữu Lợi Chúa thánh thần nâng đỡ MN..qua mọi khó khăn và biến cố ngoặt nghèo khổ cực đã qua đi
Sống ngẩn đầu lên với hiện tại
Trầm Hương Thơ Cảm ơn cha Phêrô Nguyễn Văn Khải. Những bài chia sẻ thật qúy giá cho mọi người đặc biệt là thế hệ trẻ sau này cha ạ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét