GIA ĐÌNH THÁNH INHAXIÔ LINH THAO TÂY BẮC ĐỨC chân thành kính chúc Qúy Độc Giả An Khang - Thịnh Vượng - Vạn Sự Như Ý

20 thg 2, 2018

CON NGƯỜI một huyền nhiệm tồn tại trong Huyền Nhiệm lớn hơn

Con người 
một huyền nhiệm tồn tại trong Huyền Nhiệm lớn hơn

Nhớ lại thời còn học triết học ở Muenchen, Đức Quốc, có một giáo sư triết học đã treo trên cửa phòng tấm bích chương với hàng chữ: ”Không có gì là không thể đối với con người”. Tư tưởng này có sức lôi cuốn và đeo bám với những ưu tư và thắc mắc: ”Có thật không? Con người có khả năng làm được và giải quyết được mọi chuyện?”.
Ở một góc đường tại một thành phố của Úc Châu, người bộ hành nào đi ngang qua cũng đều dễ dàng đọc được một tấm bích chương được treo ở bên ngoài một nhà thờ với hàng chữ: ”Với ân sủng của Thiên Chúa, không có gì là không thể đối với con người”.

Hai bích chương ở hai góc trời đã bổ túc cho nhau thật hoàn hảo. Một triết gia với suy tư như vượt trên mọi giới hạn đã đụng tới giới hạn của phận người, khi phận người phải đón nhận những cơn bệnh thập tử nhất sinh, khi con người rơi vào khủng hoảng và bất hạnh mà không có đường ra.

Để lấp đầy cái thiếu xót của suy tư triết lý đó, tinh thần Đức Tin đã đưa vào một xác tín nền tảng như là một bổ túc cần thiết: Với ân sủng của Thiên Chúa, con người có thể vượt qua được những giới hạn mỏng dòn của bệnh hoạn, của khổ đau, để vươn lên và thoát ra khỏi những gì tưởng chừng như đang nhấn chìm con người vào trong đêm đen với đích đến là đau khổ và cái chết thê lương.

”Không có gì là không thể đối với con người”.

”Với ân sủng của Thiên Chúa, không có gì là không thể đối với con người”.

Với hai suy tư trên, chúng ta cùng bước vào bước đường tìm hiểu về con người, một huyền nhiệm, trong tâm tình hướng về với Thiên Chúa, Đấng giàu lòng xót thương, Đấng là đường, là sự thật và là sự sống, Đấng là Huyền Nhiệm lớn hơn.

Con người hỡi, con người là ai?

Tại một nhà thờ ở Herne, Đức Quốc, trong thánh lễ mà chúng tôi được đồng tế chung với cha tuyên úy và trong khunh cảnh của một cuộc quyên góp từ thiện, có hai em gái đứng trước cộng đoàn và làm một cuộc đối thoại. Em thứ nhất đã diễn tả những hình ảnh bất hạnh và đói khổ của các em bé ở Châu Phi, em thứ hai lắng nghe với một thái độ và lời lẽ phê bình về việc giúp từ thiện. Nhưng cuối cùng em thứ hai được thuyết phục, để rồi cùng với bạn mình em ”gật đầu” với tâm tình: thật cần thiết để mở lòng ra chia sẻ và giúp đỡ những phận nghèo sống trong vùng đất hẻo lánh nghèo nàn ở Châu Phi. Sự đồng ý của em đã nối kết với một hình ảnh thật đẹp qua tấm gương soi: Trong cuộc đối thoại, sau khi đã đưa ra những hình ảnh bất hạnh của các em bé ở Châu Phi, hai em lấy một tấm gương soi ra và em thứ hai cầm gương lên, em soi mình vào tấm gương và lúc đó em đã thốt lên: ”Ôi, thật tuyệt vời! Tôi đã nhìn thấy chính tôi”.

”Con người hỡi, con người là ai?” Một câu hỏi và một vấn nạn của muôn người ở mọi góc trời. Em gái sống trong tự do, trong một xã hội văn minh và sung sướng ở Đức Quốc và em bé nghèo khổ bất hạnh sống ở một góc trời nóng nực đói khổ bên Châu Phi gặp nhau ở tại câu hỏi và vấn nạn trên: ”Con người hỡi, con người là ai?”

Câu hỏi về thân phận con người, về căn tính của con người và ý nghĩa đời người luôn làm cho mọi phận người ở trong mọi thời đại phải dằn vặt và suy tư. Cả thế giới văn minh, thế giới chịu ảnh hưởng rất lớn của truyền thông (Medien) hôm nay cũng cố gắng để đưa ra biết bao nhiêu câu trả lời cho vấn nạn trên.

Con người là người có khả năng suy tư, con người là người có khả năng sáng tạo và làm việc, con người là người mang trong mình một khả năng dồi dào và phong phú. Nhưng kế bên đó, con người lại luôn phải chịu ”lép vế” trước những áp lực của kinh tế, của xã hội, của tâm lý và hôm nay là của cả truyền thông.

Nhìn vào dòng đời, có thể thấy hai nhóm người với hai quan điểm khác nhau về con người. Nhóm người đầu tiên, như ông giáo sư là triết gia được nhắc ở trên, mơ tưởng về hình bóng con người thời đại với những kỹ thuật hiện đại có thể làm chủ vũ trũ, mặt trăng, các vì sao trên trời và với truyền thông hiện đại qua internet, mạng xã hội… có thể làm chủ mọi thứ trên trái đất nhỏ bé này, để rồi con người sẽ thực sự đạt tới một đời sống sung túc và bình an. Nhưng đối lại với nhóm người này, có những người khác đọc kỹ lưỡng ”cuốn sách lịch sử nhân loại từ xưa cho đến hôm nay” và họ ”gạch dưới” những biến cố và sự kiện đau thương mà chính con người đã gây ra cho chính mình. Đó là nô lệ và bóc lột, là chiến tranh và nghèo đói, là khủng bố và bất nhân ngay trong thế giới hiện đại hôm nay. Nhóm người thứ hai này đã đặt ra trước mắt giới hạn lớn lao của con người trong đời sống thực tế và từ đó họ lên đường để đi tìm lại chính con người với hình ảnh nguyên mẫu và căn tích đích thực của con người.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu và các nhà chuyên môn cũng tốn biết bao nhiêu công sức và thời gian để đi tìm chân lý về con người, để đi tìm câu trả lời cho vấn nạn về con người, nhưng tất cả đều không đồng thuận với một câu trả lời nào cả. Bao nhiêu lý thuyết, bao nhiêu luận đề đưa ra nhưng đều tiếp tục ”trôi” trên các dòng tư tưởng và không có bến đậu thực sự. Hơn nữa, người ta có cảm tưởng rằng, triết học hiện đại hôm nay hình như đang ”đầu hàng” với hành trình đi tìm kiếm sự thật về con người. Họ như đang ”bay trong đám mây mờ về con người”. Một đàng con người hiện đại tham vọng cố gắng vươn tới mặt trăng và các vì sao, nhưng đàng khác họ lại thất bại trong chính đời sống gia đình của mình với căng thẳng, với đổ vỡ và chia ly.

”Con người được sinh ra để đi tìm hạnh phúc”. Đó là chân lý bất di bất dịch của mọi người trong mọi thời đại, nhưng con người hình như chưa thống nhất với nhau, hạnh phúc đích thực họ cần tìm là gì. Hạnh phúc đích thực là tìm được ”đất sống” trên mặt trăng hay hạnh phúc đích thật là có được một mái ấm nhỏ bé đơn sơ trong gia đình? Một đàng, chúng ta nhìn thấy con người đang say sưa trong vinh quang của quyền lực và danh vọng, đàng khác chúng ta cũng nhìn thấy con người đang chìm mình trong bất hạnh và khổ đau. Đó là hình ảnh rất mâu thuẫn nhưng rất thật của phận người.

Shakespeares Hamlet đã nhìn thấy sự mâu thuẫn trong chính con người: ”Con người, ôi một công trình tạo dựng tuyệt vời! Thật cao sang với trí tuệ! Vượt trên mọi biên giới với khả năng sáng tạo! Thật là giá trị và xứng đáng biết bao nhiêu! Hành động thì lớn lao như các thiên thần! Hiểu biết thì thâm sâu như chính Thượng Đế! Một biểu tượng của thế giới! Là mẫu mực cho mọi loài sống động! Nhưng thực ra, hỡi con người, tôi thực sự là gì với bản chất là tro bụi?” (II. Aufzug, 2.Szene., August Wilhelm Schlegel, Reclam Verlag. Leipzig 1969).

Con người tồn tại trong vinh quang và trong bất hạnh. Con người tồn tại trong sự sống và với cái chết. Phải chăng vinh quang của con người cũng chính là sự tự cao kiêu hãnh của con người và sự bất hạnh của con người chính là một ”chất kích thích” để con người vươn lên cao hơn nữa. Pascal cũng đã nhìn thấy sự mâu thuẫn ẩn dấu trong chính thân phận của con người. Ông diễn tả suy tư này trong tác phẩm Pensées – Gedanken nổi tiếng: ”Con người mang hình ảnh nguyên mẫu nào? Một hình ảnh mà chưa bao giờ có trên mặt đất này? Một bóng ma vĩ đại? Một bóng hình hỗn tạp (chaos)? Một kho tàng ẩn dấu biết bao mẫu thuẫn và biết bao điều tuyệt diệu? Một quan tòa có quyền trên tất cả mọi loài hay là hình bóng của giun sán yếu đuối trên trái đất? Một người bảo vệ sự thật hay một dòng chảy ngầm với biết bao ảo tưởng sai lầm và không chắc chắn? Một vinh quang lớn lao hay một phần từ nhỏ bé của vũ trũ này? Ai có thể tìm ra lối thoát cho các mâu thuẫn đầy bối rối này của con người? ” (Gedanken, Kap. Widersprueche, 131/ 434, Ulrich Kunzmann (Uebersetzer), Reclam Verlag, Stuttgart 1987).

Nhân loại khao khát và đi tìm cho mình câu trả lời về chính mình, về sự tồn tại của mình trên trái đất này. Nếu không có câu trả lời thỏa đáng, thì mọi hy vọng của con người về một đích đến chung và mọi hy vọng về một cuộc sống chung tốt lành sẽ bị phá đổ. Các suy tư triết học và các ý thức hệ cố gắng tìm tòi câu trả lời, nhưng vẫn bị kẹt ở một góc trời nào đó với những mâu thuẫn rất thực tế, chất chứa trong chính thân phận của con người.

Điều này cũng đã được con người của các nền văn minh cổ đại ý thức và xác tín. Người văn minh thời cổ đại đã nhận ra sự giới hạn mỏng dòn của kiếp người và họ cũng nhận ra rằng, con người tự mình không thể đi tìm được những lối ra cho những vấn đề của con người, cũng như tự mình con người không thể tạo nên niềm hy vọng đích thực. Nhiều lần họ cũng đã trải nghiệm những thất bại của con người trong những kế hoạch và dự định, dù cho họ có chuẩn bị thật kỹ lưỡng và tỉ mỉ cho các kế hoạch và dự định đó. Những thất bại và tan rã của các cường quốc thời cổ đại là dẫn chứng sống động, rồi những lần mùa gặt tưởng sẽ dồi dào lắm, nhưng mùa gặt lại rơi vào thất bại hoàn toàn và con người mất trắng tay, khi con người đã nhìn thấy đồng lúa nở vàng tươi ở trước mắt. Trong sự vô định của vũ trụ con người tự đánh mất chính mình trong một hoàn cảnh chẳng mang chút ý nghĩa gì. Thi sĩ Hy-lạp Homer với chút nỗi buồn và với lời thật sắc bén đã thốt lên như sau:

”Như những chiếc lá trong cánh rừng, con người đang tồn tại.
Hãy nhìn kìa, người này thì qua đi như gió thổi, người kia thì đang vươn về thời điểm của mùa Xuân.

Phận người là vậy, lúc thì được sinh ra, lúc thì phải mất đi”.
(Ilias, VI, 146-149; Hans Rupé – Uebersetzer, Artenmis Verlag, Muenchen 1989).

Như những chiếc lá trong cánh rừng, con người tồn tại. Khi thì bị gió thổi mất đi trong vô định, khi thì xuất hiện như cành lá mùa xuân. Con người được sinh vào đời và con người được đưa ra khỏi cuộc đời. Nhưng nếu con người như là chiếc lá bị gió thổi và rơi vào vô định và mất đi vĩnh viễn, thì con người không còn có hy vọng nào, để có thể tìm được câu trả lời cho những câu hỏi luôn dằn vặt con người. Thay vì cứ loay hoay với thực tế bất định và chóng qua, người văn minh cổ đại đã hướng nhìn đến Thượng Đế. ”Thượng Đế là ai?” Đó là câu hỏi nền tảng trong hành trình đi tìm ý nghĩa của đời người. Hầu như tất cả những người văn minh thời cổ đại đã đồng thuận với nhau rằng: Trái ngược với sự bất toàn và chóng qua của phận người, Thượng Đến thì bất tử và tồn tại mãi muôn đời.

Trong ý nghĩa này, con người bắt đầu đi vào hành trình đi tìm mình, một huyền nhiệm, trong chính Thượng Đế là Huyền Nhiệm lớn hơn.

Tồn tại và hiện diện trong Huyền Nhiệm lớn hơn.
Con người được sinh ra và sống trong Huyền Nhiệm lớn hơn.

Ngồi đối diện với cha cố vừa mới mừng ngày sinh nhật 90 tuổi đời. Cha tỏa ra một tâm hồn hiền lành, khiêm nhường, thánh thiện và hết sức đơn sơ. Thật vậy, nếu đọc lại ”từng trang sách đời cha” với bao hy sinh cho đàn chiên của Chúa, với bao điều tốt lành cha ban tặng cho từng người con của cha, mới nhận thấy những hương hoa cha đã để lại thật quý báu biết bao.

Hương hoa đó là lời cha tuyên úy cùng với cộng đoàn dân Chúa, là đàn chiên, là con cái của cha, chúc mừng sinh nhật 90 của cha cố, hiệp với tràng pháo tay vang khắp thánh đường của ngày đầu xuân. Hương hoa đó là lòng yêu mến của mọi người con cái mà cha đã dạy dỗ chăm nom dành cho cha, từ ”bà mẫu” gần bên đến ”người con” ở tận phương trời Úc Châu xa xôi, từ em thanh niên trong cộng đoàn ngoan ngoãn đến bên cha và trân trọng thưa: ”Con kính chào cha Quý, thưa cha, cha khỏe không?”, đến cái ôm ấp và lời hỏi thăm chân tình của một người học trò đã từng được cha dạy dỗ trong mái trường chủng viện. Mỗi lần được quan tâm vậy, cha cố đều vui vẻ đáp lời và nở nụ cười thật đơn sơ.

Thật vậy, cha cố đơn sơ như một em bé và đơn sơ như một vị thánh!

Với tất cả sự trân trọng, tại bàn cơm, chúng tôi mở lời hỏi cha: ”Nếu nhớ lại đời mình, cha cố thấy có điều gì vui nhất và quý nhất?”

Trầm ngâm chút, cha cố trả lời: ”Chẳng có gì hết!”.

Bất ngờ một chút, nhưng vẫn kiên nhẫn tiếp tục lắng nghe lời của cha cố: ”Cái gì cũng vui cả! Giờ đây từ từ các chấm trong đời bắt đầu chấm hết! Sẽ thật vui khi được về với Chúa! Vì thế, giờ đây mình chỉ biết sống mỗi giây phút Chúa ban với niềm vui, cho tới khi Chúa gọi về”.

Nghe cha cố nói mà lặng người, bởi lời của cha cố là ”lời tràn đầy hương vị thánh”, lời của một em bé mà Chúa đã hứa: ”ai muốn vào nước Thiên Đàng, thì cần phải trở nên trẻ nhỏ” như em. Tương hợp với lời thánh của cha cố, chúng tôi nhìn thấy được lối sống thánh của cha.

Đến tuổi này cha cố quên nhiều và một cách nào đó sự ý thức về cuộc sống yếu đi từ từ, nhưng cả đời cha đã thánh, thì cuối đời cha vẫn sống thật thánh. Bà mẫu cho ăn gì, cha đều đón nhận với tất cả niềm vui. Vui hơn, khi đến tuổi 90 rồi, cha vẫn ăn uống mà không phải kiêng cữ gì cả, lại còn thích ăn các món chiên giòn nữa chứ!

Phải chăng đó là hồng phúc Chúa ban thưởng cho người mục tử nhân hậu cả đời đã hy sinh cho Chúa và cho con cái của Người?!

Phải chăng Chúa muốn cha hưởng ”mùi vị thiên đàng” ở đời này, trước khi cha được hưởng trọn vẹn bữa ăn với cao lương mỹ vỵ cùng với rượu ngon tại bàn tiệc thiên quốc?!

Tại bàn cơm của trần thế, nhìn cha ăn thật ngon, mà mong sao phận người luôn ”ngon” như vậy.

Mỗi lần ”chọc” cha chút, cha cười thật tươi và vui với những lời đối đáp đơn sơ của trẻ thơ, mà lòng mong ngóng ”nụ cười” của phận người đừng bao giờ bị mất đi bởi những căng thẳng, những bất hạnh, những đau buồn người người gây ra.

Nhìn cha thanh thoát trong mọi sự và chẳng còn cần thiết gì trên trái đất này, ngược lại luôn vui sống cách trọn vẹn trong mỗi giây phút còn lại Chúa ban, mà lòng mong ngóng đời người đừng vội vàng và tham lam, đừng chỉ sống trong tương lai và ảo tưởng, mà quên mất đi giây phút hiện tại thật đẹp và thật cần sống cho trọn vẹn.

Nhìn cha đón nhận mọi giới hạn và sẵn sàng buông bỏ mọi sự với tâm tình ”những chấm của đời mình từ từ chấm hết”, mà lòng mong sao phận người luôn ý thức thân phận mỏng dòn, biết buông bỏ những gì không cần thiết, biết ý thức chuẩn bị sẵn sàng mặc y phục lễ cưới, để khi được đón nhận ”thiệp mời” của Đấng Lang Quân, thì không trễ nãi, không chối từ mà sẵn sàng hân hoan bước vào bàn tiệc vĩnh cửu.

Vâng, lời thánh và sống thánh của cha cố cđã đưa lại câu trả lời cho vấn nạn đời người. Cha cố đã thoát ra được mâu thuẫn đầy bối rối của đời người, cha đã vượt trên mọi tham vọng ảo tưởng của phận người. Cuối cùng cha cố đã đi tìm cho chính cha câu trả lời tuyệt vời về phận người.

”Con người hỡi, con người là ai?” Câu trả lời này cha cố đã tìm được, khi cha ý thức cha là một huyền nhiệm và cha luôn tồn tại và luôn sống trong Huyền Nhiệm lớn hơn. Huyền Nhiệm lớn hơn là chính Đấng Giàu Lòng Thương Xót, là Cha ở trên trời, là Nguồn Cội và Đích Đến của sự sống.

Đúng vậy, huyền nhiệm của đời người chỉ có thể tìm được ý nghĩa và giá trị, khi tồn tại trong Thiên Chúa, Huyền Nhiệm lớn hơn, khi sống thân mật với Đấng là nguồn cội và là cùng đích của cuộc sống. Con người chỉ có thể tìm thấy được sự thật về chính mình, khi con người được chính Ánh Sáng của Thiên Chúa soi tỏ, khi con người ý thức bước đi trên chính Ngài, Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.

Qua mẫu gương của cha cố, chúng tôi đã nhận ra được giới hạn của đời người là gì. Qua hình ảnh thật đẹp của cha cố, chúng tôi cũng ý thức rằng, hành trình đi tìm câu trả lời cho câu hỏi ”Con người hỡi, con người là ai?”, hành trình đi tìm ý nghĩa của đời người luôn phải dựa vào Thiên Chúa, Đấng là Huyền Nhiệm lớn hơn.

Con người được sinh ra và sống trong Huyền Nhiệm lớn hơn, cũng như chết đi trong Huyền Nhiệm lớn hơn.

Tự mình, con người là một huyền nhiệm. Đứng bên giường bệnh của một người anh em mang căn bệnh ung thư và bác sĩ đã xác định không còn có thể cứu chữa, chúng tôi cầu nguyện với anh và cho anh. Cả đời anh đong đầy những nỗi đau buồn được hòa trộn với những niềm hạnh phúc nhỏ nhoi. Là người con cái của Chúa, nhưng đời bất hạnh với khổ đau cùng với lầm lỡ của bản thân cộng với một vài lời thiếu vắng hương thơm lòng thương xót của người khác, đã làm cho anh tự cảm thấy mình không xứng đáng để đến với Chúa. Nhà thờ ở đó, nhưng đã từ lâu anh đâu dám bước vào. Âm thầm ôm ấp những lời kinh đơn sơ của cha mẹ ngày xưa dạy dỗ, anh chạy đến với Chúa trong cuộc đời nhiều khổ đau. Giờ phút cuối cuộc đời, anh biết mình sẽ như chiếc lá bị gió thổi rơi xuống thân cây. Nhưng làm sao chiếc là này có thể tìm thấy niềm hy vọng và ý nghĩa cho đời mình trong giây phút huyền nhiệm sắp tới?

Những lời kinh vang lên tại giường bệnh và lòng anh mở ra từ từ. ”Xin Chúa thương xót chúng con. Xin Chiên Thiên Chúa thương xót chúng con”. Lời cầu nguyện hướng đến Đấng là Huyền Nhiệm lớn hơn. Lời cầu nguyện cho anh, một phận người, một huyền nhiệm trên đời. Lời cầu nguyện đã đụng chạm đến lòng thương xót vô bờ của Đấng là Huyền Nhiệm lớn hơn. Tín thác vào lòng thương xót của Chúa, chúng tôi tin tưởng rằng, Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ cho anh, một sự sống huyền nhiệm mà Chúa đã đưa vào cuộc đời.

Trước khi lời kinh kết thúc, trước khi bí tích xức dầu cho anh được hoàn thành, thì Đấng là Huyền Nhiệm lớn hơn, Đấng đã thốt lên trên Thánh Giá ”Mọi sự đã hoàn tất”, làm cho đời anh được ”hoàn tất” với tình yêu vô biên, với lòng thương xót sâu thẳm và với sự tha thứ vô điều kiện.

Giây phút kết thúc giờ cầu nguyện với từ ”Amen”, từ ngữ của niềm tin tưởng tuyệt đối vào lòng thương xót của Đấng là Huyền Nhiệm lớn hơn, chúng tôi nhận ra trên môi miệng và khuôn mặt anh một nụ cười thật tươi và tràn đầy sự bình an sâu thẳm. Nụ cười của một sự sống huyền nhiệm đã tìm được câu trả lời cho ý nghĩa của đời mình trong Đấng là Huyền Nhiệm lớn hơn.

Từ giã anh ra về mà lòng trào dâng một nỗi niềm tri ân cảm tạ và niềm vui khôn siết. Hai ngày sau, được nghe tin anh đã từ giã cõi đời với một tâm hồn thanh thản và bình an, lòng bùi ngùi với nỗi niềm an bình và tri ân Thiên Chúa dâng cao. Đến cử hành đám tang cho anh trong nhà thờ, nơi mà anh khi còn sống đã không dám bước vào, lòng cảm nhận một bầu khí với hương thơm của lòng thương xót tỏa lan. Hương thơm này như là hương thơm của người phụ nữ đã đập bình nước hoa và đổ đầy lên chân Chúa, sau khi đã lau ướt bàn chân của Ngài vì bị những giọt nướt mắt thống hối tưới ướt. Có chút bùi ngù, có chút buồn đau của sự mất mát, nhưng lớn hơn mất mát và buồn đau là bình an, là tin tưởng và lòng thương xót. Một chiếc là trong cánh rừng đã được gió thổi, lìa bỏ thân cây và rơi xuống. Thật tuyệt vời, chiếc lá này đã rơi vào bàn tay tràn đầy lòng thương xót của Đấng là Huyền Nhiệm lớn hơn.

Cuộc đời của người anh em đã diễn tả được một phận người luôn phải giằng co với những mâu thuẫn trong sâu thẳm đời mình. Con người bị đẩy đưa từ lầm lỡ đến ăn năn, từ bất hạnh đến an bình. Kết cục của đời người sẽ thế nào tùy thuộc vào đời người đó – một huyền nhiệm – có tồn tại trong Huyền nhiệm lớn hơn là chính Thiên Chúa giàu lòng thương xót hay không? Phận anh trộm lành ở bên phải Thánh Giá Chúa, phận người cong hoang đàng biết lên đường trở về với Cha, phận người phụ nữ tội lỗi biết chạy đến để được khóc bên chân Đấng giàu lòng thương xót và phận người anh em vừa qua đời trong bình an có một kết thúc chung: được vòng tay của Huyền nhiệm lớn hơn ôm ấp trong lòng xót thương.

Ôi thật đẹp biết bao, những huyền nhiệm biết ý thức sống trong Huyền Nhiệm lớn hơn!

Thay lời kết.

Kiếp người thật vô vàn phong phú. Nhưng dù tội lỗi và lầm lỡ hay thánh thiện và khiêm nhu, cũng như dù đến tận giờ chót mới quay về hay đã khởi đầu từ thuở ấu thơ, nếu phận người biết ý thức sống trong Đấng là nguồn cội và là cùng đích, trong Đấng là Nguồn mạch của lòng thương xót, trong Đấng là Huyền nhiệm lớn hơn, thì con người sẽ tìm được câu trả lời tràn đầy hy vọng cho kiếp người của mình.

Con người là ai ư? Con người là một huyền nhiệm được tồn tại trong Huyền Nhiệm lớn hơn. Huyền Nhiệm lớn hơn sẽ luôn để mắt đến từng phận người.

Khi con người như là chiếc lá trong cánh rừng đến ngày bị gió thổi, lìa khỏi cành cây và rơi xuống, thì bàn tay của Đấng là Huyền Nhiệm lớn hơn sẽ giơ ra, để chiếc lá đó không rơi vào cõi vô định, mà chiếc lá đó được rơi vào bàn tay của Đấng giàu lòng thương xót.

Lạy Đấng là Huyền Nhiệm lớn hơn,
Lạy Đấng là Nguồn cội và là cùng đích của cuộc sống,
Lạy Đấng là Thiên Chúa của con ở trên trời và là Cha giàu lòng thương xót, trong niềm tin tưởng và cậy trông,

xin Chúa đoái nhìn và đón nhận lời kêu cầu nhỏ bé của một huyền nhiệm mà Chúa đã đưa vào cuộc đời:

xin cho phận người của con – một huyền nhiệm, luôn luôn ý thức và được sống trong Huyền nhiệm lớn hơn là chính Chúa.

xin cho phận người của con – một huyền nhiệm, mỗi ngày thức giấc thốt lên được lời: ”Lạy Chúa là Chúa con thờ, ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa”.

xin cho phận người của con – một huyền nhiệm, mỗi giây phút trong hành trình cuộc sống đều nhẩm đi nhắc lại lời cầu nguyện: ”Hồn con, xác con, thời gian của con, công việc của con, hiện tại và tương lai của đời con xin Chúa giữ gìn! Chúa ơi. Ở bên Chúa, con mãi được an vui”.

xin cho phận người của con – một huyền nhiệm, trong mỗi khi màn đêm buông xuống đều thốt lên lời: ”Trong tay Ngài, Lạy Chúa con xin phó thác hồn con”.

Trên hành trình cuộc đời,

Mùa Xuân và Mùa chay 2018.

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét