Nhân dịp Chúa nhật đầu năm mới tôi xin nói riêng về TUẦN 7 ngày và NGÀY CỦA CHÚA.
NGƯỜI VIỆT xưa tính tháng là 3 tuần: thượng tuần, trung tuần, hạ tuần. Mỗi tuần là 10 ngày. Tên mỗi ngày lần lượt là: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý.
Không có ngày nghỉ định kỳ sau mỗi tuần. Không có ngày nào quan trọng hơn ngày nào trừ khi ngày đó rơi vào những ngày sóc vọng, tức ngày mùng 1 và ngày rằm tính theo âm lịch.
NGƯỜI ROMA cổ đại tính tuần là 8 ngày và sau đó là một ngày phiên chợ mà họ gọi là nundinae (Latin: nun = novem= 9; dinae= dies= ngày) và họ dùng luôn từ này để chỉ tên tuần.
Mãi đến những năm 49- 27 trước Chúa giáng sinh tuần 7 ngày mới du nhập vào đế quốc; và người Roma gọi tên các ngày bằng tên các thần linh, tinh tú.
NGƯỜI DO THÁI coi Chúa sáng tạo trời đất vạn vật trong 6 ngày còn ngày Shabbat, tức ngày thứ bẩy, Chúa nghỉ ngơi. Do đó, họ làm việc trong 6 ngày, còn ngày Shabbat họ nghỉ việc.
Các ngày khác trong tuần được gọi theo cách mà mình có thể tạm dịch là thứ nhất, thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm. Riêng thứ sáu được gọi là “hôm trước ngày Shabbat” để nhắc người ta chuẩn bị cho ngày Shabbat.
NGÀY CHÚA NHẬT RA ĐỜI
Các Kitô hữu đầu tiên đều là người Do Thái nên tất cả đều dùng lịch tuần 7 ngày.
Ngày Shabbat họ nghỉ việc, đến hội đường cầu nguyện và nghe đọc và giải thích Kinh Thánh.
Đồng thời vào ngày thứ nhất trong tuần, tức là ngày Chúa sống lại, họ cũng lại tụ họp tại một tư gia thuận tiện để tham dự lễ bẻ bánh (Cv 20,7; 1 Cr: 16,2).
Ngay từ cuối thế kỷ I họ đã gọi ngày thứ nhất, ngày Chúa sống lại bằng danh từ “ngày của Chúa” tức Chúa nhật như chúng ta gọi ngày nay.
Trong sách Didaché, một tác phẩm văn chương quan trọng của Ki tô giáo thời sơ khai, được viết khoảng những năm 90 đến 100, ở đầu chương 14, có ghi: "Vào ngày Chúa nhật, ngày của Chúa, hãy họp nhau lại, hãy bẻ bánh và tạ ơn".
Tuy nhiên khi thế hệ Kitô hữu đầu tiên qua đời và khi số lượng Kitô hữu ngoài Do Thái gia tăng tới mức hầu như chỉ có các Kitô hữu gốc ngoại giáo, họ thấy không cần phải giữ ngày Shabbat, vì nhiều lý do khác nhau,
Họ cho rằng ngày Shabbat thuộc luật Môsê và luật này chỉ có tính tạm thời: nó đã bị vượt qua khi Chúa Giêsu đến vì chính Ngài đã làm việc chữa lành bệnh tật ngày Shabbat.
Họ quan niệm thời gian là của Chúa, mọi ngày đều là của Chúa và vì vậy trong mọi ngày con người đều phải dâng mình cho Chúa và làm lành lánh dữ.
Vì thế, để khẳng định căn tính Kitô giáo của mình, dần dần người Kitô giáo bỏ hẳn ngày Shabbat và coi ngày Chúa nhật, ngày Chúa sống lại mới là ngày quan trọng và tổ chức đời sống xoay quanh ngày Chúa nhật.
CHÚA NHẬT TRỞ THÀNH NGÀY NGHỈ LỄ QUỐC GIA
Khoảng năm 306, Công đồng Elvira thuộc Tây Ban Nha ngày nay đã ra quyết định buộc giáo dân phải đi lễ ngày Chúa nhật. Bổn phận với Chúa trên hết và trước hết.
Quyết định này gây khó khăn cho những người buộc phải làm việc trong ngày Chúa nhật, vì người ta không thể cùng lúc làm hai việc. Bây giờ giải quyết làm sao?
May thay đế quốc Roma có truyền thống tôn trọng ngày nghỉ lễ của các dân tộc. Họ luôn cho các dân tộc được miễn các bổn phận công dân trong ngày nghỉ lễ của riêng dân tộc mình.
Tuy nhiên, đối với các Kitô hữu thì khó giải quyết hơn, bởi vì họ thuộc đủ mọi dân tộc và tầng lớp. Họ sống từ Á, qua Phi sang Âu. Họ chiếm khoảng 10% trong số hơn 50 triệu dân của đế quốc, nhưng họ lại là số người đạo đức và có tổ chức nhất.
Thế là vào năm 321 ngày 03.07, Hoàng đế Constantino I đã ra sắc lệnh cấm làm việc ngày Chúa nhật, trừ hoạt động nông nghiệp; đặc biệt cấm các hoạt động liên quan đến tố tụng và xét xử. (Codex Iustinianus)
Vì lợi ích của một số không đông ông đã ra một quyết định sinh lợi ích cho tất cả mọi người không phân biệt dân tộc, tôn giáo.
(Tiếc là cho đến nay sau 1700 năm nhà cầm quyền CSVN cũng vẫn chưa biết làm như ông để làm lợi cho dân nước! )
Trong sắc lệnh, Hoàng đế không sử dụng danh từ “ngày của Chúa” (dies Domini), trái lại ông vẫn dùng tên gọi “ngày của Mặt Trời” (dies Solis) như cách người Roma ngoại giáo vẫn gọi và như cách người Anh, người Đức ngày nay vẫn gọi.
Ông viết vậy cho dễ hiểu đối với người có Đạo lẫn người không có Đạo. Vì những người sống trong đế quốc Roma từ Á sang Âu vào đầu thế kỷ IV này đã quen với cách gọi tên 7 ngày trong tuần bằng tên các thần linh, tinh tú rồi.
Đến ngày 27.02.380 Hoàng đế Teodosio I tuyên bố Kitô giáo trở thành quốc giáo và cấm các tôn giáo và tín ngưỡng ngoại giáo thờ thần linh, tinh tú.
Đến ngày 03.11.383 Hoàng đế Teodosio lại tuyên bố đổi tên gọi “ngày Mặt Trời” (dies Solis) thành “ngày Chúa nhật” (dies Domini) và QUY ĐỊNH ĐÂY LÀ NGÀY NGHỈ ĐỊNH KỲ CỦA MỌI NGƯỜI.
Đúng là Chúa dẫn lối Mẹ đưa đường! Đấy là quyết định hợp lòng Trời và hợp lòng người. Đấy là quyết định đã làm cho cả thế giới về sau được nhờ.
Dân chúng phấn khởi. Vì chẳng những họ được nghỉ việc để đi lễ mà còn được đi hội nữa! Vì theo luật lệ Roma, ngày nghỉ lễ là ngày tổ chức trò chơi, trình diễn nghệ thuật và tổ chức hội chợ.
Đại khái có thể nói ngày Chúa nhật anh đưa vợ con đến nhà thờ dự lễ. Xong tất cả cùng đi siêu thị ăn uống, mua sắm và giải trí. Đấy là đúng tinh thần luật lệ đạo đời bấy giờ.
TÊN CÁC NGÀY TRONG TUẦN RA ĐỜI
Thế là từ đó Chúa nhật và nội dung đời sống trong ngày Chúa nhật đã được sắp đặt.
Theo chiều hướng Kitô hóa các tập tục ngoại giáo, người ta đã nghĩ đến việc đổi tên 6 ngày còn lại trong tuần để tránh dùng tên thần linh, tinh tú.
Yêu cầu đặt ra là phải gọi thế nào để làm nổi bật vai trò, vị trí, ý nghĩa của ngày Chúa nhật với tư cách là ngày Chúa sống lại, ngày thứ nhất trong tuần, ngày khởi đầu một cuộc tạo thành mới.
Và thế là các ngày kế tiếp Chúa nhật lần lượt được gọi theo tiếng Latin - ngôn ngữ chính thức của đế quốc – là feria secunda, feria tertia, feria quarta và feria quinta, feria sexta, sabatum.
Các gọi này rất hay vì tiếng Latin chữ Feria vừa có nghĩa là ngày lễ, ngày nghỉ việc, ngày hưu chiến, ngày hội chợ, ngày trong tuần, vừa có nghĩa là bình tĩnh, bình an, thanh thản, thanh tịnh, thanh bình.
Trong khi Secunda, Tertia, Quarta, Quinta, Sexta là số thứ tự từ 2 đến 6. Sabatum là ngày Shabbat, theo lịch Cựu Ước luôn là ngày thứ bẩy nên được giữ nguyên.
Mặc dù các ngày trong tuần đã có tên, tuy nhiên, chỉ ngày thứ bẩy và Chúa nhật được gọi theo kiểu Kitô giáo. Các ngày khác người ta vẫn gọi bằng tên thần linh tinh tú như thói quen trước đó và kiểu gọi này còn kéo dài cho đến nay ngay tại Pháp, Ý, Tây Ban Nha.
Giáo Hội không ngăn chặn! Tự do muôn năm!
Dù sao thì việc định tên các ngày trong tuần và việc tổ chức nội dung sống và làm việc theo lịch tuần 7 ngày của Ki tô giáo trong thế kỷ thứ IV cũng là một tiến bộ rất lớn trong lịch sử văn minh nhân loại và có ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ đời sống trên toàn thế giới từ đó cho đến nay.
TUẦN ĐẾN VIỆT NAM
Trong số các dân sống trong đế quốc Roma, chỉ có Bồ Đào Nha là nơi áp dụng triệt để nhất cách gọi tên các ngày trong tuần theo Kitô giáo.
Người Bồ Đào Nha lần lượt gọi tên 7 ngày trong tuần là: Domingo, Segunda-feira, Terça-feira, Quarta-feira, Quinta-feira, Sexta-feira, Sábado. Đúng như tiếng Latin Kitô giáo.
Năm 1582 Đức Giáo Hoàng Gregorio XIII công bố bộ lịch Công giáo mới: lịch Gregoriano. Trên bộ lịch này tên các ngày trong tuần được ghi đơn giản là Dom, Seg, Ter, Qua, Qui, Sex, Sab.
Đó là những tính từ ở dạng viết tắt và được hiểu như danh từ theo nguyên tắc văn phạm Latin: Dominicus, Secunda, Tertia, Quarta, Quinta, Sexta, Sabatum.
Năm 1615 các thừa sai Dòng Tên người Bồ Đào Nha sang Việt Nam truyền giáo. Từ việc giảng Đạo đến việc sống Đạo, tất cả đều được tổ chức theo lịch Công giáo.
Do đó các thừa sai đã phổ biến lịch tuần 7 ngày cho người Công giáo và các ngài dịch tên các ngày trong tuần từ tiếng Latin trong lịch Gregoriano ra tiếng Việt là Chúa nhật, Thứ hai, Thứ ba, Thứ tư, Thứ năm, Thứ sáu, Thứ bảy.
Dịch trúng phóc! Hiếm có cách gọi tên ngày nào có tính khoa học và Công giáo cách gọi của Việt Nam.
Lịch Công giáo cứ vậy từng bước đi vào đời sống của người Việt Nam. Công giáo trước. Không Công giáo sau!
Với hòa ước Nhâm Tuất 1862, Pháp bắt đầu cai trị ba tỉnh Miền Đông Nam Kỳ và họ bắt đầu áp dụng dương lịch trong hành chính và quản trị tại đây.
Dưới ảnh hưởng của Pháp, dương lịch dần dần đi vào đời sống của người Việt và trở thành lịch chi phối hầu hết mọi lãnh vực trong đời sống của hầu hết người Việt.
Từ năm 1945 đến nay các chính quyền của người Việt, cộng hòa cũng cộng sản, đều coi dương lịch là lịch chính thức điều tiết toàn bộ đời sống của người Việt Nam, đều gọi tên các ngày trong tuần theo kiểu Công giáo, làm việc và nghỉ ngơi theo quan niệm Công giáo.
TUẦN 7 NGÀY TỪNG BỊ CÁCH MẠNG LOẠI BỎ
Cũng có những chính quyền cách mạng cực đoan muốn xóa bỏ lịch Công giáo và chu kỳ sinh hoạt tuần 7 ngày theo lịch này.
Sau cách mạng Pháp 1789, chính quyền Pháp nhân danh lý trí để dẹp bỏ mọi yếu tố Công giáo trong đời sống xã hội.
Họ làm ra lịch cộng hòa chia thay đổi tên gọi và cách tính tháng, tuần, ngày, giờ, phút. Họ quy định tuần 10 ngày như Việt Nam ta xưa.
Tuy nhiên sau hơn chục năm áp dụng, họ thấy dở người quá! Lợi bất cập hại! Thế là năm 1805 họ bỏ không kèn không trống.
Bên Nga cũng tương tự vậy. Năm 1923 chính quyền cộng sản Nga ban hành lịch Cách mạng và tính tuần 5 ngày, rồi sau đó từ năm 1931 lại tính tuần là 6 ngày.
Vì coi tôn giáo là thuốc phiện mê dân và tìm mọi cách để loại bỏ tôn giáo nên tất nhiên họ đã loại bỏ lịch Chính Thống giáo và lịch Công giáo. Họ xóa ngày Chúa nhật trong bộ lịch mới.
Thế nhưng sau gần 20 chục năm áp dụng, họ thấy cái mà họ từng coi là thành tựu và họ từng tự hào là khôn ngoan thì trên thực tế lại cực kỳ dở người và lợi bất cập hại cho chính họ. Thế là họ bỏ không kèn không trống và trở lại dùng lịch Công giáo, dùng tuần 7 ngày làm chu kỳ làm việc và nghỉ ngơi như trước.
Thế đấy! Con người kiêu ngạo tưởng mình loại bỏ được Trời và khi mình làm Trời thì sẽ tốt nhất cho mình. Nhưng thực tế lịch sử cho thấy ngược lại: khi con người không theo ý Trời là lúc con người lâm vào cảnh khốn cùng nhất.
Khi cố gắng tìm cách bỏ lịch Chúa ban và bỏ chu kỳ sinh hoạt tuần 7 ngày Chúa mạc khải thì lập tức người ta nhận lấy những trái đắng. Chính vì vậy những thế lực cách mạng hung hăng nhất thế giới cuối cùng vẫn phải thần phục Chúa trong mức độ nào đấy!
VÀI SUY NGHĨ LIÊN QUAN
Nếu không có tuần 7 ngày và không có ngày Chúa nhật, không có ngày nghỉ việc định kỳ, thì cuộc sống của chúng ta bây giờ ra sao?
Không thể tưởng tượng được!
Nhưng chắc chắn là cơ cực, lầm than, man rợ hơn bây giờ!
Vì thế tôi tin tuần 7 ngày và cách tổ chức đời sống theo tuần 7 ngày của Công giáo là một trong những đóng góp tích cực nhất và có ảnh hưởng sâu rộng nhất đến đời sống nhân loại xưa và nay.
Đúng là có Chúa thật và Chúa đang từng bước thể hiện quyền năng của Chúa theo cách mà không ai cưỡng lại nổi.
***
Hồi trước đưa em đi học mẫu giáo tôi thấy cô giáo dạy hát: “Thứ hai là ngày đầu tuần, bé nhớ cố gắng chăm ngoan...”
Lúc học cấp III tôi được nghe cô giáo giảng "Chủ nhật là ngày cuối tuần". “chủ nhật là ngày con người làm chủ”.
Tôi thấy quan niệm ấy mâu thuẫn. Nếu thứ hai là đầu tuần sao không gọi nó là “thứ nhất” và nếu Chúa nhật là cuối tuần sao không gọi nó là “thứ bẩy” cho đúng logic?
Nếu chủ nhật là ngày con người làm chủ thì sáu ngày kia con người không làm chủ sao?
Mãi khi đi tu một thời gian, tôi mới khám phá ra lịch nước mình đang dùng là lịch Công giáo và theo lịch này thì Chủ nhật là ngày của Chúa, ngày Chúa sống lại, ngày thứ nhất trong tuần. Chính vì quan niệm như vậy nên các ngày sau Chúa nhật mới được đếm là thứ hai và cuối cùng là thứ bẩy.
(Giờ nhớ lại tôi thấy học ở Việt Nam quá phí thời gian! Nhiều cái cần phải biết thì không được biết! Quá nhiều cái vớ vẩn, không cần biết hay biết chỉ có hại, thì lại phải biết!)
***
Ngày nay ở Việt Nam cũng như ở bên Tầu và nhiều nước khác, chính quyền quy định thứ hai là ngày đầu tuần và Chúa nhật là ngày cuối tuần.
Vấn đề chỉ là quy ước! Tự do muôn năm! Chúa luôn tôn trọng tự do của mỗi người. Tôn trọng cách tuyệt đối! Kể cả tự do chống lại Chúa!
Tuy nhiên, có Chúa Trời thì mới có con người. Chúa trước người sau. Chu toàn bổn phận với Chúa Trời trước thì mới có năng lực để chu toàn bổn phận với con người. Tôn trọng Chúa Trời trước thì mới có thể tôn trọng bản thân và tha nhân.
Nếu tôi coi Chúa nhật là cuối tuần, thì có nghĩa là tôi xếp Chúa Trời xuống hàng chót và tôi lên hàng đầu. Các ngày trong tuần tôi ưu tiên cho công việc, cho ăn chơi, còn thừa thãi tý thời gian và sức lực nào cuối tuần tôi mới dành cho Chúa. Không thì thôi! Chúa Trời hạng bét mà!
Quan niệm như thế và sống như thế thì làm sao mà tốt được và làm sao mà khá lên được!
Chưa kể là tạo ra những mâu thuẫn không đáng có và không thể giải thích được như bên ta bên Tầu. Bên ta thì coi thứ hai là ngày thứ nhất. Bên Tầu cũng vậy nhưng khốn khổ hơn ta ở chỗ viết là nhất, nhưng lại đọc là nhị, viết là nhị, nhưng lại đọc là tam, khiến người ta chẳng những khó hiểu mà còn “bị sai” vì mình đọc đúng.
Cha Thà DCCT phục vụ bên Đài Loan nói cho tôi biết vậy.
Tôi thấy bên Đức, bên Hòa Lan, bên Anh, bên Mỹ họ đặt Chúa lên trên hết và trước hết. Họ quan niệm và quy định Chúa nhật là ngày đầu tuần. Tôi thấy rõ ràng sức sống nơi họ năng động và nhân bản hơn ở những nước khác. Xã hội của họ chưa hoàn hảo nhưng đó là những vùng đất mơ ước mà nhiều người muốn đến…
Roma, ngày 04.01.2021
Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét