Vào ngày 1 tháng 7 năm 2019, Vatican đã thông báo rằng Đức Hồng Y John Henry Newman, Giuseppina Vannini, Maria Teresa Chiramel Mankidiyan, Dulce Lopes Pontes và Margarita Bays sẽ được tuyên Thánh vào Chúa nhật, ngày 13 tháng 10 năm 2019.
Vào ngày 1 tháng 7 năm 2019, Vatican đã thông báo rằng Đức Hồng Y John Henry Newman, Giuseppina Vannini, Maria Teresa Chiramel Mankidiyan, Dulce Lopes Pontes và Margarita Bays sẽ được tuyên Thánh vào Chúa nhật, ngày 13 tháng 10 năm 2019. Thông báo được đưa ra tại Sảnh đường Clementine thuộc Điện Tông Tòa, diễn ra vào giờ Ba, khi ĐTC Phanxicô tổ chức một Công hội Hồng Y công khai như thường lệ cho việc phong thánh cho các Chân Phước.
Đó thực sự là một niềm vui to lớn đối với Giáo hội hoàn vũ khi chứng kiến việc tuyên thánh cho năm vị Chân phước này, những người đã sống một cuộc đời thánh thiện và truyền cảm hứng cho mọi người. Điều này không chỉ cho tôi một cơ hội để nghiên cứu về cuộc đời của các Ngài mà còn truyền cảm hứng cho tôi bởi sự thánh thiện và tình yêu của họ đối với Thiên Chúa và với mọi người, đặc biệt là những người nghèo khổ và những người bị bỏ rơi. Tôi đã tóm tắt ngắn gọn cuộc đời của các vị Chân Phước này, có thể sẽ không đầy đủ nhưng tôi hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho các bạn để hiểu biết thêm về cuộc sống của các Ngài.
Đức Hồng y John Henry Newman người Anh, người sáng lập Nhà nguyện Saint Philip Neri ở Anh.
Đức Hồng Y Henry John Newman sinh tại Luân Đôn (Anh) vào ngày 21 tháng 2 năm 1801 và qua đời tại Edgbaston (Anh) vào ngày 11 tháng 8 năm 1890. Ngài thành lập Nhà nguyện Thánh Philip Neri tại thành phố Birmingham của Anh vào năm 1848 và là Hiệu trưởng của Đại học Công giáo Dublin (1851-1858). Một số người coi ngài là “Cha đẻ của Nhà thờ” trong thế kỷ tiếp theo. Ngài hoàn toàn có khả năng là nhà tư tưởng thần học vĩ đại nhất trong ngôn ngữ tiếng Anh.
Các chi tiết về tiểu sử cuộc đời của Ngài thực sự được nhiều người biết đến; cuộc sống của Ngài kéo dài gần như toàn bộ thế kỷ 19 và chia đều giữa hai thời kỳ khi Ngài là một Giám mục Anh giáo và khi thuộc về Giáo Hội Công giáo La Mã. Tuy nhiên, một đặc điểm nổi bật của Ngài từ thời còn trẻ đó chính là việc say mê tìm kiếm chân lý. Từ việc chuyển đổi sang Tin Lành khi còn là thanh thiếu niên rồi trở thành một linh mục Anh giáo khi trưởng thành, trở thành hiệu trưởng trường Đại Học Oxford và trưởng thành với tư cách là một người Công giáo, một tu sĩ Dòng giảng thuyết và là một linh mục, Ngài không bao giờ ngừng tìm kiếm chân lý và định hình cuộc sống của mình xung quanh chân lý mà Ngài đã tìm thấy.
Chúng ta cũng không thể bỏ qua cái giá mà Cha Newman phải trả khi tìm kiếm chân lý. Mẫu gương của Ngài dạy chúng ta rằng việc tìm kiếm chân lý không nhất thiết phải được đền đáp bằng một cuộc sống dễ dàng. Ngoài những khó khăn mà quyết định trở thành một tín hữu Công giáo của Ngài, cuộc sống cá nhân, công việc của Ngài cũng không tránh khỏi những rắc rối.
Tuy nhiên, sự thật mà Newman tìm kiếm không chỉ đơn giản là giáo lý hay giáo điều,. Chân lý mang diện mạo của con người – đó chính là Chúa Kitô – và được hiện thân trong tình yêu. Trong bất kỳ bài giảng nào của mình, Cha Newman luôn quan tâm đến những người tốt bên ngoài, những người có cuộc sống đạo đức thánh thiện. Ngài viết, “có thể vâng lời, không phải từ tình yêu đối với Thiên Chúa và con người, mà từ một hình thức của việc làm theo lương tâm thiếu tinh thần bác ái; từ một số khái niệm của việc hành động theo luật; nghĩa là, từ việc sợ hãi Thiên Chúa hơn là từ lòng yêu mến Ngài”. Đức tin của Newman đã được bao bọc bởi tình yêu, và chỉ có tình yêu mới là một động lực thích hợp cho mọi nhân đức. Đối với Cha Newman, tình yêu dẫn người Kitô hữu đến một lối sống mới.
Marguerite Bays, Giáo dân người Thụy Sĩ, Trinh nữ Dòng Ba Phanxicô.
Marguerite được dân làng công nhận là một người phụ nữ đơn sơ, chân thành và vui vẻ, người đã không chú ý đến bản thân mình. Marguerite đã nỗ lực sống một cuộc sống đơn sơ và khắc khổ nhằm trợ giúp tốt hơn cho những người đau yếu bệnh tật và những người khốn khổ xung quanh mình, những người thường là những nông dân bị buộc phải di dời bởi sự cơ giới hóa ngày càng gia tăng trong lĩnh vực nông nghiệp. Chính tình yêu phục vụ của Marguerite đã dẫn đến một sự đồng nhất mạnh mẽ với đặc sủng của Thánh Phanxicô Assisi.
Marguerite cảm thấy tự do hơn để có thể phụng sự Thiên Chúa nếu như không phải là thành viên của một Hội Dòng và thay vào đó gia nhập chi nhánh dành cho bậc giáo dân của đại gia đình Dòng Phanxicô, Dòng Ba Phanxicô. Chân Phước Marguerite đã được in Năm Dấu Thánh khi 38 tuổi và mỗi thứ Sáu kể từ khi Ngài cảm nghiệm được cuộc khổ nạn của Chúa Kitô trong khi rơi vào trạng thái xuất thần bí ẩn. Ngài qua đời lúc 3 giờ chiều (cùng giờ với cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu) vào thứ Sáu, ngày 27 tháng 6 năm 1879.
Nữ tu Dulce Lopes Pontes người Brazil, Dòng Nữ Thừa Sai Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Thiên Chúa
Chân Phước Dulce Lopes Pontes, còn được gọi là “Mẹ của những người nghèo”, “Thiên Thần thánh thiện của Bahia” sinh ra tại Salvador de Bahia, Brazil, vào ngày 26 tháng 5 năm 1914. Với tư cách là Nữ tu của Dòng Nữ Thừa Sai Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Thiên Chúa (SMIC), Sơ Dulce đã dạy dỗ và làm việc giữa những người nghèo ở Salvador và thành lập công đoàn lao động Kitô giáo đầu tiên của khu vực và đã mở một trường công cho công nhân và con cái của họ.
Nhưng di sản lâu dài nhất của Chân Phước Dulce Lopes Pontes sẽ chính là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe với Tổ chức Bác ái Từ thiện của Nữ tu Dulce (Obras Sociais Irmã Dulce, hoặc OSID). Tổ chức này, được thành lập vào năm 1959 bởi Chân Phước Dulce với các đạo luật do cha của Ngài tên là Augusto lập ra, là một trong những tổ chức chăm sóc sức khỏe từ thiện hàng đầu trong cả nước, không chỉ chuyên về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe mà còn trong cả lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu khoa học.
Phục vụ hơn 3,5 triệu người mỗi năm, tổ chức luôn luôn rộng mở cho rất nhiều người có nhu cầu, bao gồm những người già, những người vô gia cư, trẻ em và thanh thiếu niên được coi là “có nguy cơ rủi ro”, các nạn nhân nghiện ngập và những người khuyết tật và dị tật. Và tổ chức bắt đầu trở nên nổi tiếng chỉ với 70 bệnh nhân ban đầu, một chuồng gà và một Nữ tu đầy tinh thần quyết tâm.
Với việc dành suốt cuộc đời phục vụ người nghèo xuất sắc của mình, Chân Phước Dulce đã được đề cử giải Nobel Hòa bình năm 1988. Chân Phước Dulce đã có cơ hội gặp Mẹ Têrêsa một lần và Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II hai lần – lần thứ hai khi phải nằm viện, không lâu trước khi qua đời do suy hô hấp vào ngày 13 tháng 3 năm 1992.
Nữ tu Giuseppina Vannini (1859-1911), người Italia, Đấng sáng lập dòng Nữ tử Thánh Camillo
Giuseppina Vannini (nhũ danh Giuditta Adelaide Agata) sinh ngày 7 tháng 7 năm 1859 tại Rome, là con thứ hai của ông bà Angelo Vannini và Annunziata Papi. Cha của Giuditta qua đời vào năm 1863 và mẹ Ngài qua đời vào năm 1866, để lại Giuditta chỉ mới 7 tuổi và 2 anh chị em của Ngài đã phải sống cảnh mồ côi khi còn rất nhỏ. Là những đứa trẻ bị chia lìa sau cái chết của cha mẹ, Giuditta đã được chuyển đến trại trẻ mồ côi Torlonia dưới sự chăm sóc của chị em Nữ tu Dòng Nữ Tử Bác Ái.
Khi nhận thức được ơn gọi của mình về đời tu, Giuditta đã đến gặp Cha Luigi Tezza trong một kỳ tĩnh tâm và tìm kiếm lời khuyên của Ngài nơi tòa giải tội. Cha Tezza quan tâm đến việc thành lập một Hội Dòng Nữ dành riêng cho việc chăm sóc những người đau yếu bệnh tật. Sau vài tuần hồi tâm suy nghĩ, Giuditta đã chấp nhận lời đề nghị của Cha Tezza, và vào tháng 3 năm 1892, Giuditta và hai người bạn đồng hành đã nhận khăn choàng vai và áo Dòng Camillian. Giuditta chọn Thánh hiệu ‘Giuseppina’ và được bầu làm Mẹ bề trên Dòng Nữ tử Thánh Camillus, Tu hội do Chân Phước Giuseppina Vannini thành lập cùng với Cha Tezza, vào ngày 8 tháng 12 năm 1895.
Hội Dòng bắt đầu phát triển, bất chấp tình trạng nghèo đói và những sự vật lộn ban đầu, cộng đoàn đã lan rộng khắp thế giới, với các trụ sở ở Pháp, Argentina và Bỉ. Hội Dòng cuối cùng đã được chấp thuận chính thức vào năm 1909. Đến năm 1910, sức khỏe của Mẹ Guiseppina bắt đầu yếu dần khi mắc bệnh tim nghiêm trọng, và vào tháng 2 năm 1911, Ngài qua đời ở tuổi 51.
Nữ tu Maria Teresa Chiramel Mankidiyan, người Ấn độ, Đấng sáng lập Dòng Nữ tu Thánh Gia
Chân Phước Mariam Thresia sinh ngày 26 tháng 4 năm 1876 với tên gọi là Thresia Mankidiyan tại Kerala, Ấn Độ. Lớn lên trong Giáo hội Công giáo Nghi lễ Syro-Malabar, cha mẹ Thresia đã chon Thánh Teresa Avila để dặt tên cho Ngài, điều này cho thấy cuộc sống thánh thiện và chiêm niệm mà Thresia sẽ đạt được. Thresia khao khát được sống một cuộc đời chiêm niệm, cầu nguyện và đền tội trong cô tịch, nhưng Thresia đã sớm từ bỏ kế hoạch này, thay vào đó là một cuộc đời phục vụ.
Thresia thường xuyên đến nhà thờ giáo xứ với ba người bạn đồng hành để giúp đỡ trong việc lau dọn và trang trí Thánh đường. Với tình yêu nồng nhiệt của mình dành cho Chúa Giêsu, Thresia muốn giúp đỡ những người nghèo khổ, chăm sóc những người đau yếu bệnh tật và an ủi những người cô đơn. Bằng cách tham gia vào các công tác từ thiện, Thresia đã quên mình phục vụ những người bị lãng quên trong làng, được truyền cảm hứng bởi sự nhiệt tâm hết long đối với Chúa Kitô.
Từ năm 1904, Thresia bắt đầu tự gọi mình là ‘Mariam Thresia’ sau một thị kiến mà Ngài tin rằng Đức Trinh Nữ Maria đã yêu cầu Ngài thêm tên ‘Mariam’ vào tên của mình. Với ba người bạn đồng hành của mình, Thresia đã thành lập một nhóm cầu nguyện và hoạt động tông đồ, thăm viếng những người nghèo khổ và những người đau yếu bệnh tật, không phân biệt đẳng cấp hay tôn giáo.
Năm 1913, Đức Giám mục Địa phận đã cho phép Mariam Thresia’ xây dựng một nhà nguyện, nơi mà Ngài và ba người bạn đồng hành có thể sống như những ẩn sĩ, sống cuộc sống khắc khổ qua đời sống cầu nguyện và đền tội, trong khi tiếp tục sứ mạng phục vụ người nghèo và những người đau yếu bệnh tật. Đây chính là sự hình thành Dòng Nữ tu Thánh Gia (CHF), và Mariam Thresia được đã được bổ nhiệm làm Bề Trên tiên khởi và những người bạn đồng hành của Thresia đã trở thành những Thỉnh sinh của Hội Dòng.
Họ tiếp tục sứ vụ phục vụ những người đau yếu bệnh tật và những người nghèo khổ, và họ cũng cung cấp việc giáo dục cho các bé gái và chăm sóc trẻ mồ côi. Có nhiều trải nghiệm tâm linh đặc trưng cho cuộc đời của Mariam Thresia. Ngài được cho là đã được in Năm Dấu Thánh đầu tiên vào năm 1905, và nó trở nên rõ ràng hơn vào năm 1909. Mọi người tập trung để xem Ngài được nhấc lên cao và treo lơ lửng theo hình Thánh giá vào mỗi thứ Sáu. Năm 1926, một vật thể đã rơi trúng chân Mariam Thresia. Vết thương đã không lành, có lẽ là do bệnh tiểu đường, và vào ngày 8 tháng 6 năm 1926, Thresia qua đời tại Kuzhikkattussery, Ấn Độ, một trong những Tu viện mà Ngài đã thành lập.
Chớ gì đời sống gương sáng của những vị Thánh này truyền cảm hứng cho chúng ta lớn lên trong tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa và Hội Thánh, bằng cách phục vụ cách đặc biệt những người nghèo khổ và những người bị bỏ rơi.
Linh mục Joseph Royan, C.Ss.R
Giáo sư Thần học luân lý và Giám đốc & Biên tập của Ấn phẩm DCCT Ấn Độ.
Hoàng Việt(theo Scala News)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét