Trong khi các quốc gia như vùng Bắc Mỹ và Việt Nam năm nay thời tiết lạnh thấu xương và có những vùng tuyết đóng băng dày đặt khiến nhiều người
không thể đến sở làm hay đi du ngoạn như mọi năm, thì các quốc gia vùng Nam Mỹ và Paraguay thời tiết lại nóng kinh khủng. Có những vùng thời tiết nắng nóng đến nỗi đất nứt nẻ ra và nhiều nơi phải mua nước để dùng trong sinh hoạt. Người ta bắt đầu cầu trời cho mưa xuống để chuẩn bị cho vụ mùa.
không thể đến sở làm hay đi du ngoạn như mọi năm, thì các quốc gia vùng Nam Mỹ và Paraguay thời tiết lại nóng kinh khủng. Có những vùng thời tiết nắng nóng đến nỗi đất nứt nẻ ra và nhiều nơi phải mua nước để dùng trong sinh hoạt. Người ta bắt đầu cầu trời cho mưa xuống để chuẩn bị cho vụ mùa.
Tháng Một cũng là cao điểm tháng Hè của người dân Nam Mỹ nên người ta đã tranh thủ đi nghỉ Hè và thăm người thân. Chính vì thế mà các hoạt động mục vụ ở giáo xứ thị thành đều ngưng lại vì các linh mục chính xứ đều tranh thủ nghỉ Hè.
Năm nào cũng vậy, cứ sau những ngày Tết dương lịch là chúng tôi có kỳ mục vụ Hè ở những giáo điểm truyền giáo xa xôi mà lâu lâu mới có các linh mục đến giúp. Năm nay chúng tôi cùng với 10 em chủng sinh người Paraguay đang trong giai đoạn Triết đến các giáo điểm miền núi thuộc vùng Đông Bắc của Paraguay có một cái tên Guaraní rất lãng mạng “Yasy Cañy” (Trăng Khuyết).
Các em chủng sinh đã có gần 1 tháng nghỉ Hè trước với gia đình từ đầu tháng 12 nên chúng tôi đã hẹn nhau tại địa điểm mục vụ trong tháng 1 này để các em hiểu thêm về sứ vụ truyền giáo trước khi trở thành những nhà truyền giáo thực thụ trong tương lai.
Từ Chủng Viện đến các giáo điểm truyền giáo chúng tôi phải đi mất hơn 1 ngày hành trình vì đường vào các giáo đểm truyền giáo ngoằn ngoèo, gập ghềnh rất xấu và bụi mịt mù khi các xe tải đi qua để vận chuyển hàng hóa. Chính các em chủng sinh người Paraguay đã phải than thở sao mà xa và đường xấu quá. Chúng tôi chỉ biết trấn an các em để các em vui vẻ tiếp tục cuộc hành trình vì nếu không các em mà ngại khó không tiếp tục nữa thì kế hoạch mục vụ năm nay coi như phá sản.
Khi chúng tôi đến nơi thì trời đã chập tối. Chúng tôi đã chia nhau thành 5 nhóm mỗi nhóm 2 người và đến ở các nhà dân trong những ngày này. Bản thân chúng tôi cũng tá túc tại nhà của ông trưởng làng để cùng đồng hành với các em chủng sinh và người dân vùng truyền giáo.
Có 10 giáo điểm truyền giáo trong vùng này và mỗi giáo điểm đều có một nhà nguyện đơn sơ để mỗi Chúa Nhật người dân đến họp nhau cầu nguyện. Thật tội nghiệp cho họ vì họ thiếu thốn đủ điều từ vật chất đến tinh thần. Nhà cửa thì lẹp xẹp trống trước, trống sau và chỉ có một phòng cho tất cả các sinh hoạt. Nhà vệ sinh không có mà họ chỉ đào một cái hố và có một tấm ván bắt qua giống như thời sau năm 1975 ở Việt Nam tại các vùng nông thôn. Nhà tắm lộ thiên và chỉ cần 1, 2 xô nước là đủ. Gà heo và các vật nuôi sống chung và có thể vào nhà bất cứ lúc nào vì nhà rất thấp. Chúng tôi ở chung với gia đình ông trưởng làng có hai con nhỏ và họ đã nhường chiếc giường duy nhất cho tôi trong khi họ và 2 cháu nhỏ phải nằm dưới đất. Quả thực chúng tôi rất ngại vì không đành nào để cả gia đình này vì mình mà nằm dưới đất nên đã hỏi mượn một chiếc võng để nằm ngủ dưới các bóng cây vì trong nhà quá nóng mà không có quạt trần hay quạt đứng gì cả. Cũng may mà không có muỗi, chỉ có ruồi vào ban ngày, và ban đêm thì mấy con chim rừng ngủ trên cây thỉnh thoảng cứ vô tư phóng uế xuống đất và có lúc dính ngay vào người mình. Tuy họ khổ về vật chất nhưng chưa bao giờ chúng tôi nghe họ than thở vì họ luôn có miếng ăn là hoa màu mà họ trồng như bắp, đâu phộng, khoai mì… Triết lí sống của họ rất đơn giản là “ăn nhiều chứ ở bao nhiêu” nên họ không quan tâm đến nhà cao, cửa rộng và phương tiện hiện đại. Thấy vậy mà họ sướng và ít khổ tâm hơn chúng ta vì họ sống đơn giản và không bon chen. Chỉ có những nơi rừng rú như thế này ở Paraguay mới thấy còn sót lại những con người chân thật, dễ gần và đúng là những người mà Chúa Giê-su đã từng nói trong bài giảng trên núi: “Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ” (Xc Mt 5,3).
Về phương diện tinh thần thì họ lại càng thiếu thốn nhiều hơn vì tuy là những người đã được rửa tội nhưng rất nhiều người từ lâu rồi chưa bao giờ gặp được linh mục vì một năm chỉ có một lần linh mục đến dâng lễ nhưng nếu trúng vào ngày họ bị bệnh hay trời mưa thì khó mà ra khỏi nhà được. Một anh em linh mục phụ trách giáo xứ truyền giáo này phải trông coi đến hơn 80 giáo họ nên không thể trách ngài được vì đường xá quá xa xôi và ngài không chỉ lo về các bí tích mà còn lo quản trị nhiều việc khác nữa tại Nhà Xứ. Phần lớn Nhà Nguyện của các giáo điểm chỉ là những cái chòi đơn sơ và bên trong có kê một cái bàn để đặt tượng thánh bổn mạng của giáo điểm hay khi linh mục đến dâng thánh lễ. Nghĩ lại ở Việt Nam quê mình nói là nghèo nhưng nhà thờ nào cũng thấy hoành tráng và thậm chí một số linh mục khi được chuyển về xứ mới đã phá bỏ nhà thờ cũ để xây nhà thờ mới đẹp hơn, khang trang hơn để được người đời gọi là nhà thờ mang tên mình. Khi dâng lễ trong các nhà nguyện đơn sơ này, chúng tôi nhớ lại lời Kinh Thánh khi Chúa Giê-su nói chuyện với người phụ nữ Samari, Chúa Giê-su đã yêu cầu con người phải thờ phượng Thiên Chúa một cách mới mẻ hơn, cao cấp hơn. Ngài nói: «Đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem (…) Giờ đã đến – và chính là lúc này đây – những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật. (…) Thiên Chúa là thần khí, nên những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật» (Xc. Ga 4,22-24).
Có một điều mà chúng tôi muốn chia sẻ nơi đây trong chuyến mục vụ truyền giáo mùa Hè này mà đến giờ mỗi khi nhớ lại chúng tôi vẫn còn nổi da gà. Số là trong lúc chúng tôi đi thăm bệnh nhân với sự hướng dẫn của ông trưởng làng, chúng tôi có vào một gia đình có mấy bà góa phụ và mấy cháu nhỏ. Khi vào chúng tôi hỏi ai là bệnh nhân để chúng tôi Xức Dầu Thánh và Trao Mình Thánh Chúa. Bà chủ nhà mới gọi người em của bà đến. Nhìn bà em độ tuổi khoảng trên dưới 50 rất khỏe mạnh nhưng thái độ tỉnh bơ chẳng thèm chào hỏi gì cả. Thông thường người dân quê ở Paraguay khi gặp linh mục mà họ gọi là Pa’í (Ông trời con, theo tiếng Guaraní) là họ chắp hai tay xin phép lành. Tuy nhiên, bà nhà quê này lại không chào hỏi mà lại còn nhìn chằm chằm như muốn nuốt chửng chúng tôi nữa… Tôi cũng lấy làm lạ không hiểu tình trạng bà này ra sao, và các chủng sinh cũng không báo cho biết trước về bệnh tình của người này… Tuy nhiên đã đến là phải thi hành nhiệm vụ nên chúng tôi miễn cưỡng Xức Dầu và Trao Mình Thánh Chúa cho bà này. Trước khi Trao Mình Thánh Chúa, chúng tôi mời gọi mọi người hiện diện đọc Kinh Lạy Cha và dâng mình Thánh Chúa với lời nguyện: “Đây Chiên Thiên Chúa…” Khi mọi người xướng: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh”. Chúng tôi vừa trao Mình Thánh Chúa và đọc: “Mình Thánh Chúa Ki-tô”, người đàn bà liền thè lưỡi ra đón lấy thì tự nhiên chúng tôi thấy một cái lưỡi rất dài và trước khi rước lấy Mình Thánh Chúa thì chúng tôi lại thấy cái gì như một làn khói với hình thù rất ghê gớm từ trong người bà xuất ra khiến chúng tôi nổi da gà. Người đàn bà đã nhìn trừng trừng vào chúng tôi với đôi mắt thật hoang dã. Tuy cũng hơi rùng mình nhưng chúng tôi cũng cố gắng hoàn tất việc trao Mình Thánh Chúa và lời nguyện kết thúc. Đây là một kinh nguyện mục vụ đáng nhớ của chúng tôi và qua kinh nghiệm này chúng tôi vững tin hơn vào Thánh Thể Chúa và hứa với lòng mình là khi làm việc gì với tư cách là linh mục thì không nên làm chiếu lệ và miễn cưỡng vì như thế sẽ không đem lại hiệu quả gì mà còn có hại cho người khác.
Hôm nay là ngày lễ Thánh Phao-lô Tông đồ trở lại, kết thúc tuần lễ cầu cho sự hiệp nhất các Ki-tô hữu và cũng là những ngày cuối năm Quí Tỵ trước khi bước qua Tết Giáp Ngọ 2014. Hòa cùng không khí đón Tết tại quê nhà Việt Nam, xin cầu chúc các ân nhân, thân nhân, gia đình cùng bạn hữu xa gần một Năm Mới Giáp Ngọ 2014 phát tài phát lộc. Và cũng nhân dịp đón ngựa chiến, tiễn rắn vàng, chúc tất cả mọi người luôn hoan hỉ, sức khỏe bền bỉ, công danh hết ý, xin Thiên Chúa của mùa Xuân vĩnh cửu ban nhiều ơn lành cho tất cả trong Năm Mới được mưa thuận gió hòa và mọi người luôn sống hiệp nhất với nhau. Feliz Año Nuevo 2014.
Paraguay, 25 tháng 01 năm 2014 – Lễ Thánh Phao-lô Tông Đồ Trở Lại
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét